Thu mua giá rẻ, bán giá cao?
Tiếp tục chia sẻ ý kiến xung quanh việc Công ty TNHH Kim Phúc Hà (Lạng Sơn) đề xuất lên Bộ Công Thương về việc xuất khẩu 300.000 tấn bụi lò thép sang Trung Quốc, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Đặng Văn Hảo, Viện Khoa học và Kỹ thuật vật liệu, trường Đại học Bách khoa Hà Nội bày tỏ nhiều băn khoăn.
Theo PGS.TS Hảo, ông đã từng được nghe chuyện Việt Nam thu gom bụi lò thép từ một vài năm trước. Tuy nhiên việc xuất khẩu khối lượng lên đến 300.000 tấn như đề nghị của Công ty TNHH Kim Phúc Hà đưa ra thì quá nhiều.
“Tôi khá bất ngờ khi nghe thông tin trên. Tôi không rõ công ty trên Lạng Sơn lấy ở đâu ra 300.000 tấn bụi lò thép.
Luyện thép hiện nay ở Việt Nam chưa có nhiều, chỉ có mấy nhà máy của miền Nam. Miền Bắc thì có nhà máy gang thép Thái Nguyên, Hòa Phát… Theo tôi, bụi thép ấy có thể phát sinh do quá trình tuyển quặng sắt, quặng đuôi có kẽm.
Còn thực tế nếu dùng lò quang điện thì kẽm ở nhiệt độ cố định (907 độ C) đã bay hơi hết rồi. Điều đó là chắc chắn”, PGS.TS Hảo nhấn mạnh.
Vị chuyên gia thừa nhận, việc vận chuyển bụi lò thép không phát sinh các nguy cơ về ô nhiễm môi trường tuy nhiên nếu xuất khẩu giá trị thường rẻ và không cao.
Trong bối cảnh Việt Nam hàng năm chi hơn 10 tỷ USD để nhập sắt thép và bản thân ngành thép đang nhập siêu, PGS.TS Đặng Văn Hảo đề nghị làm rõ thành phần hóa học trong bụi thép xuất khẩu. Nếu hàm lượng lớn thì Việt Nam cần chú trọng đầu tư công nghệ hiện đại để tận thu, tránh lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản.
“Bây giờ cần yêu cầu công ty ở Lạng Sơn làm rõ kẽm tồn tại trong bã để xuất khẩu nằm ở dạng gì, dạng oxit hay dạng Sunfua. Hay nói cách khác thành phần hóa học ở dạng gì? Nếu Sunfua thì không phải của bụi lò luyện thép.
Hàm lượng kẽm mà lớn thì chúng ta có thể đưa về nhà máy luyện kẽm, dùng công nghệ hiện đại để thực hiện tách kim loại. Tôi nghĩ việc này đơn giản, không có vấn đề gì cả”, PGS.TS Hảo nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng đặt ra nhiều nghi vấn trước việc Trung Quốc nhập khẩu bụi lò thép từ Việt Nam. Theo ông Hảo, Trung Quốc là một quốc gia không có nhiều tài nguyên khoáng sản. Vì vậy thời gian qua để phục vụ việc phát triển ngành gang, thép trong nước, Trung Quốc đã phải nhập quặng từ nước ngoài với trữ lượng lớn.
“Trung Quốc đã nhập hàng triệu tấn quặng từ Úc về để sản xuất gang. Vì thế khi Việt Nam bán bụi lò thép chắc chắn họ sẽ thu mua ngay, không từ chối gì cả. Giá rẻ nên Trung Quốc sẽ tăng cường tích trữ. Họ sẽ lọc tách và khi Việt Nam hay quốc gia nào thiếu nguyên liệu thì Trung Quốc sẽ xuất khẩu trở lại với giá cao hơn. Chúng ta phải cân nhắc kỹ việc này vì đã có quá nhiều bài học kinh nghiệm rồi”, PGS.TS Hảo lo ngại.
Xuất khẩu công nghệ lạc hậu
Cùng đưa ra quan điểm về vấn đề này, GS.TS Phạm Phố – nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho rằng các doanh nghiệp trong nước không nên quá vui mừng khi Trung Quốc muốn nhập 300.000 tấn bụi lò thép.
Theo vị Giáo sư, từ trước đến nay, trong bất cứ hoạt động mua bán nào, Trung Quốc đều đặt bài toán kinh tế lên hàng đầu. Chỉ khi có lợi nước này mới làm. Và thực tế Việt Nam đã có nhiều bài học kinh nghiệm xương máu từ các thương vụ mua móng bò, mua dễ của cây hồi, các sản phẩm nông nghiệp.
Với việc đồng ý nhập khẩu 300.000 tấn bụi thép lần này, Giáo sư Phạm Phố nhận định, nhiều khả năng Trung Quốc muốn các doanh nghiệp Việt Nam an tâm hơn khi nguồn bụi thép chứa nguy cơ ô nhiễm môi trường trong quá trình luyện thép đã có nơi tiêu thụ.
“Trung Quốc rất lắm ý đồ. Chúng ta không biết họ sẽ đi các chiêu bài gì tiếp theo. Theo tôi, Trung Quốc làm như thế để khuyến khích con đường sản xuất thép lò điện. Khi đó mới có nhiều bụi thép bay lên. Nhưng nếu chúng ta đi con đường đó chắc chắn sẽ thua lỗ vì không thể tranh chấp được với Trung Quốc. Thép xây dựng của Việt Nam sẽ bị Trung Quốc đánh bật, ế ẩm kéo dài.
Trường hợp khác, họ cũng có thể muốn đưa lò điện, đưa công nghệ lạc hậu sang cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển ngành thép. Công nghệ của họ còn tiền thì chúng ta chịu. Sau 1 thời gian hoạt động kém hiệu quả thì Trung Quốc sẽ bỏ đi. Nhà máy gang thép Thái Nguyên là một bài học sâu sắc khi chúng ta sử dụng công nghệ lạc hậu của Trung Quốc”, GS.TS Phạm Phố nhấn mạnh.
Từng có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực đúc luyện kim, vị chuyên gia đưa ra lời khuyên, các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước phải hết sức thận trọng trước việc Trung Quốc nhập khẩu bụi lò thép.
“Khi Trung Quốc mua thì chúng ta bán. Tuy nhiên điều kiện như thế nào, số lượng, giá cả ra sao thì phải lưu ý. Chúng ta kiên quyết không nhận đầu tư. Họ bán thiết bị lạc hậu thì chúng ta không mua. Vì công nghệ càng lạc hậu thì bụi lò thép càng nhiều. Thứ hai để có bụi đó thì Việt Nam còn phải đầu tư vào môi trường để thu hồi bụi. Cái đó cũng rất tốn kém nên cũng không phải dễ dàng.
Quan điểm của tôi phải hết sức rõ ràng. Chúng ta có thì bán, không có thì thôi, không nên vay tiền hay phụ thuộc gì vào Trung Quốc”, GS Phạm Phố nhấn mạnh.
(Đất việt 27/12/2016)
- 2016: Thép Trung Quốc chiếm hơn 50% thị phần nhập khẩu của Việt Nam (30.05.2015)
- 25/11/2016 Chương trình cộng tác giữa Satthep.net và các doanh nghiệp thép (30.05.2015)
- Thông tin thị trường thép Nhật Bản tuần tới ngày 9/1/2017 (30.05.2015)
- Thị trường thép 2017: Nỗi lo dư cung từ Trung Quốc (30.05.2015)
- Ngành thép dự báo tăng trưởng khoảng 12% trong năm 2017 (30.05.2015)
- Bản tin VLXD tuần từ 9/1 đến 14/1/2017 (30.05.2015)
- Bộ Công Thương khẳng định doanh nghiệp thép khó trục lợi (30.05.2015)
- Toàn cảnh ngành thép năm 2016 (Infographic) (30.05.2015)